Thầy giáo làng
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Thầy giáo làng

Diễn đàn của thầy giáo Đoàn Ngọc Khánh
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tên: thầy giáo làng
Số Bài Post :129 Số bài - 65%
Tên: hoanganh
Số Bài Post :39 Số bài - 20%
Tên: dnk2011
Số Bài Post :18 Số bài - 9%
Tên: Old
Số Bài Post :7 Số bài - 4%
Tên: cogiaolang
Số Bài Post :4 Số bài - 2%
Tên: Admin
Số Bài Post :3 Số bài - 2%
Các bài gửi mới nhất Reload
Thủ ảnh tràn lề
Đang tải dữ Liệu
Old
Old
Old
Old
Old
Old
cogiaolang
hoanganh
Tình nghĩa trong ca dao
Đang tải dữ Liệu
hoanganh

Share
 

 Phạm Ngũ Lão, danh tướng đời Trần

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
thầy giáo làng

thầy giáo làng

Tổng số bài gửi : 129
Join date : 21/11/2011

Phạm Ngũ Lão, danh tướng đời Trần Empty
Bài gửiTiêu đề: Phạm Ngũ Lão, danh tướng đời Trần   Phạm Ngũ Lão, danh tướng đời Trần I_icon_minitimeMon Nov 21, 2011 11:19 pm

Tiểu sử

Phạm Ngũ Lão sinh năm Ất Mão (1255) đời nhà Trần. Ông là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Theo sách Tông Phả Kỷ Yếu Tân Biên của Phạm Côn Sơn, dẫn gia phả họ Phạm, thì Phạm Ngũ Lão là cháu 8 đời của Phạm Hạp, một bộ tướng và là một cận thần của vua Đinh Tiên Hoàng.

Lúc xảy ra loạn “Thập Nhị Sứ Quân” vào cuối triều Ngô, Phạm Hạp cùng em trai là Phạm Cự Lạng đem hơn 2000 người, ngựa từ Hải Dương đến Hoa Lư theo giúp Đinh Bộ Lĩnh. Năm Mậu Thìn (968), dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tức Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Phạm Hạp được phong chức quan hầu cận của vua.

Năm 979, vua Đinh và con trai lớn là Nam Việt vương, Đinh Liễn bị sát hại; con trai thứ là Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi được lập lên ngôi. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp thấy uy quyền của Lê Hoàn quá lớn, sợ Lê Hoàn sẽ soán ngôi bèn khởi binh chống lại nhưng cả 3 tướng đều bị Lê Hoàn dẹp tan nhanh chóng. Phạm Hạp sau đó bị Lê Hoàn xử tử nhưng em trai ông là Phạm Cự Lạng vẫn được Lê Hoàn dùng làm tướng dưới quyền.

Đến đời Phạm Ngũ Lão, gia cảnh đã rất sa sút. Bố mất sớm, mẹ bịnh yếu, nhà không có ruộng đất gì cả, Phạm Ngũ Lão kiếm sống bằng nghề chẻ tre đan sọt. Ông là người con chí hiếu luôn phụng dưỡng mẹ chu đáo. Dù gia cảnh rất neo đơn và cuộc sống rất lam lũ cực nhọc, nhưng Phạm ngũ Lão vẫn nổi tiếng là người hiếu học, thông minh, ham đọc sách và siêng năng rèn luyện võ nghệ.

Sanh ra và lớn lên trong thời chiến, Phạm Ngũ Lão luôn nuôi chí được đem tài trí để bảo vệ quê hương và an bang tế thế, xây dựng quốc gia no ấm hùng cường. Thế rồi một dịp tình cờ, một cơ may của ông mà cũng của đất nước, đưa đến cuộc hội ngộ giữa Phạm Ngũ Lão và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Phạm Đình Hổ - làm quan thời Lê-Trịnh - trong Vũ Trung Tuỳ Bút có kể lại chuyện Phạm Ngũ Lão ra mắt Trần Hưng Đạo với đại ý như sau: Một lần, Hưng Đạo Vương đưa quân đi tập trận về ngang qua làng Phù Ủng, dân chúng hết thảy đều tránh sang 2 bên nhường đường, riêng Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi xếp bằng tròn bên vệ đường, điềm nhiên đan sọt. Quân lính quát tháo bảo ông dẹp vào trong nhưng ông không nghe vì mãi tập trung suy nghĩ về một câu trong binh pháp. Một người lính thấy ông lì lợm, thản nhiên ngồi đan sọt bất chấp điều lệnh bèn lấy giáo đâm vào đùi ông đến chảy máu đầm đìa. Thấy sự lạ, Hưng Đạo Vương bước xuống kiệu, truyền quân lính đem Phạm Ngũ Lão lại để chất vấn. Qua vài câu đối đáp, Vương nhận ra trí tuệ thông minh, học vấn uyên bác, hoài bão, tâm huyết của chàng trai khôi ngô tuấn tú và tráng kiện, bèn cầm tay ân cần:

- Tráng sĩ đã tỏ ra là người thao lược, ta rất quý trọng. Ta muốn đưa về trang ấp Vạn Kiếp giúp ta huấn luyện quân sĩ, mong tráng sĩ vui lòng.

Rồi Vương mời Phạm Ngũ Lão lên ngồi cùng kiệu để về Vạn Kiếp. Từ đó Phạm Ngũ Lão trở thành môn khách của Hưng Đạo Đại Vương. Ông cùng với Trương Hán Siêu, là hai trong rất ít số môn khách trẻ tuổi, thường được Vương hỏi bàn về kế sách quân cơ, trong thời kỳ chống Nguyên Mông lần 2 và lần 3.

Công nghiệp khanh tướng

Hầu hết các danh tướng đời Trần đều là những vương tôn, nhưng nhờ tài năng xuất chúng nên Phạm Ngũ Lão dù không phải vương hầu, vẫn được các triều vua Trần nể trọng. Vai trò và sự đóng góp của Phạm Ngũ Lão trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước thời Trần nổi bật trên 3 lĩnh vực: chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ quốc gia và chống nội loạn bảo vệ vương triều.

Nhờ có đức độ và tài thao lược hơn người, Phạm Ngũ Lão được Trần Hưng Đạo vừa trọng dụng vừa thương yêu như con. Ông được Trần Hưng Đạo gả con gái nuôi là quận chúa Anh Nguyên. Với sự đào luyện, và tiến cử của Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão trở thành võ tướng trụ cột của triều đình, ông chỉ huy quân Thánh Dực, bảo vệ vua và Cấm thành. Vua Trần phong ông đến chức Điện Suý Thượng Tướng quân, cho lập phủ đệ ngay trong vương cau của triều đình tại kinh thành.

Về người vợ của Phạm Ngũ Lão, quận chúa Anh nguyên, có thuyết cho rằng bà là con ruột của Trần Hưng Đạo, nhưng để gả cho Phạm Ngũ Lão một cách hợp lệ (vì nhà Trần cấm hôn nhân ngoài giòng tộc), ông đã giả cho bà làm con nuôi. Bộ sử Nguyên, Mông Thát Cáo Lục chép : "Vợ tướng họ Phạm là con gái của Hưng Đạo Vương, không biết tên là gì, tước phong Thủy Tiên Công Chúa. Thủy Tiên dáng người thanh thoát, mặt đẹp ; nói thông thạo tiếng Mông Cổ âm Hoa Lâm, tiếng Hán âm Lâm An. Khi lâm trận đối đáp với tướng Mông Cổ bằng ngôn từ nhẹ nhàng, nhưng khi giao tranh thì dũng mãnh phi thường. Nhiều tướng Mông Cổ không đề phòng, bị Thủy Tiên giết. Tướng Nguyễn Linh Nhan bị Thủy Tiên bắt sống".

Quận chúa Anh Nguyên sinh năm Nguyên Phong thứ tư (1254) đời vua Trần Thái Tông, lớn hơn Phạm Ngũ Lão 1 tuổi. Năm lên sáu tuổi, bà được đích thân Hưng Đạo Vương dạy võ và bà học chữ với Khâm Từ hoàng hậu (vợ vua Nhân Tông, con gái của Hưng Đạo Vương). Lớn lên, bà học võ với Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (con trai Trần Hưng Đạo) và Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Sử chép rằng võ công của bà được liệt vào hàng thứ 15 đời Trần, trong khi Phạm Ngũ Lão đứng hạng thứ 17, thua bà hai bậc. Bà có công huấn luyện võ thuật cho toàn thể cung phi, cung nga đời Trần. Chính vì vậy, khi mà quân Mông Cổ chiếm Thăng Long, các cung phi, cung nga tự bảo vệ, di tản không cần hộ tống.

Trong hai thời kỳ chống quân Nguyên, Anh Nguyên quận chúa thường theo sát phu quân Phạm Ngũ Lão trên chiến trường. Bà tham dự các trận đánh quan trọng Chương Dương, Nội Bàng, và sau này cũng chính bà theo phu quân chinh phạt Ai Lao và Chiêm Thành. Bà mất vào năm niên hiệu Khai Thái, năm thứ sáu đời Trần Minh Tông (1329), thọ 75 tuổi. Huyền sử Việt Nam kể rằng sau khi mất bà hiển thánh, cho nên ngày nay tại tất cả các đền thờ Hưng Đạo Vương trên toàn Việt Nam đều có tượng thờ bà.

Trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Nguyên (1285-1288) Phạm Ngũ Lão lập được nhiều chiến công. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai ông cùng với thượng tướng Trần Quang Khải và Trần Quốc Toản tiến đánh Chương Dương, Hàm Tử, đánh tan đội binh thuyền và đại quân Nguyên chiếm đóng Thăng Long. Sau đó, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Khoái được lệnh mang 3.000 quân phục kích ở Vạn Kiếp, chặn đường địch rút chạy lên biên giới phía bắc, và giết được hai phó tướng Nguyên là Lý Quán và Lý Hằng. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng, bỏ lên xe ngựa kéo mới chạy được về Tàu.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão tham gia trận phục kích đường rút lui của quân Mông Cổ trên sông Bạch Đằng. Trong trận này quân nhà Trần bắt sống các tướng giặc Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi. Tiếp đó Phạm Ngũ Lão chỉ huy trận truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ. Thoát Hoan được tin thất trận Bạch Ðằng, liền kéo quân rút chạy lên Lạng Sơn, tới ải Nội Bàng bị phục binh của Phạm Ngũ Lão đổ ra đánh. Tướng giặc là Trương Quân bị Phạm Ngũ Lão chém chết, quân Nam tiếp tục truy kích, chém thêm được hai tướng giặc là A Bát Xích và Trương Ngọc. Riêng Thoát Hoan được tùy tướng Trình Bằng Phi hết lòng phò giúp, mới chạy thoát được về Tầu.

Phạm Ngũ Lão đã ba lần cất quân đi trừng phạt sự xâm chiếm, quấy nhiễu của quân Ai Lao vào các năm 1294, 1297 và 1301, bảo vệ được vùng biên ải thuộc hai xứ Thanh Hóa, Nghệ An dưới triều vua Anh Tông. Ông cũng hai lần Nam chinh đánh thắng quân Chiêm Thành buộc vua Chiêm là Chế Năng phải bỏ thành mà chạy (năm Mậu Ngọ, 1318).

Năm 1302, nghịch thần Biếm nổi lên chống lại triều đình cũng bị Phạm Ngũ Lão dẹp tan.

Khi lựa chọn các tướng danh tiếng và tài giỏi của đời Trần, sử gia Phan Huy Chú - triều Minh Mạng - chỉ chọn ra 4 vị tướng, gồm Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão. Sử còn ghi "Phạm Ngũ Lão lập nhiều công to, trước sau giữ trọn danh dự, tiếng tăm rõ rệt. Tóm lại đều không hổ là bậc nguyên thần".

Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sỹ Liên - triều Lê Thánh Tôn - có đoạn ca ngợi Phạm Ngũ Lão: "Ông chỉ huy quân rất có kỷ luật, đối đãi với tướng tá như người nhà, đồng cam cộng khổ với binh sĩ, thương yêu nhau như con một nhà nên đánh đâu được đấy, coi tiền của như không. Thật là bậc danh tướng!"

Là một danh tướng là chỗ dựa tin cậy của 3 triều vua nhà Trần, vì thế, ông lần lượt được vua phong các hàm tước lớn, lần lượt: Năm 1290, vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thánh Dực, phong chức Hữu Kim ngô Đại tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, ông được thăng tới chức Thân Vệ Đại Tướng quân và rồi Điện Súy Thượng Tướng quân, tước Quan Nội Hầu. Một người con gái của Phạm Ngũ Lão hiệu là Tĩnh Huệ là thứ phi của vua Anh Tông.

Không chỉ có tài về quân sự, mà còn làm nhiều bài thơ về chí làm trai và về lòng yêu nước. Hiện nay tác phẩm của ông chỉ còn lại hai bài là Thuật Hoài (Tỏ Lòng) và Vãn Thượng Tướng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương (Viếng Thượng Tướng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương). Ngũ Lão xuất thân trong quân ngũ nhưng đọc sách nhiều, sống phóng khoáng, thích ngâm vịnh thơ ca. Các tác phẩm văn chương của Phạm Ngũ Lão được sử gia Ngô Sĩ Liên đánh giá: "Các tướng giỏi đời Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài Hịch, còn Phạm Điện Suý thì hiện ra ở câu thơ". Thật là một bậc danh tướng văn võ song toàn.

Bài thơ Thuật Hoài sau đây, nói lên chí khí và khát vọng công danh anh hùng của đấng nam nhi trong thời loạn lạc, khi tổ quốc bị xâm lăng.Trước khi quân Mông Nguyên sang xâm lược lần thứ hai, Phạm Ngũ Lão cùng các tướng sĩ được Hưng Đạo Vương cử đi trấn giữ biên cương để đánh chặn bớt sức tiến của quân địch. Bài thơ có thể được sáng tác trong thời gian này.

Thuật Hoài

Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hồ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí thế át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.


Bài thơ sau không rõ năm sáng tác nhưng chắc chắn là được Phạm Ngũ Lão làm sau khi Hưng Đạo Đại Vương mất (năm 1301). Bài thơ mang giọng cảm hoài, tiếc thương sâu lắng.

Vãn Thượng Tướng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương

Trường Lạc chung thanh đệ nhất chùy,
Thu phong tiêu táp bất thắng bi.
Cửu trùng minh giám kim vong hĩ,
Vạn lý trường thành thục hoại chi.
Vũ ám trường giang không lệ huyết,
Vân đê phức đạo tiêu sầu my.
Ngưỡng quan khuê tảo từ phi dật,
Ngư thuỷ tình thâm kiến vịnh thi.

Bản dịch nghĩa:

Tiếng chuông cung Trường Lạc một hồi vang lên,
Gió thu hiu hắt, đau thương khôn xiết.
Tấm gương sáng của cửu trùng nay đã mất rồi,
Bức trường thành vạn dặm ai làm cho sụp đổ?
Mưa phủ kín sông dài, luống tuôn lệ máu,
Mây sa xuống đường sạn đạo nhíu hàng my sầu.
Ngước xem văn chương lời lời cô đúc,
Tình sâu cá nước đã hiện ra ở lời thơ vịnh.



Bậc lương đống dày công đức

Phạm Ngũ Lão mất ngày 1 tháng 11 năm 1320, hưởng thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông thương tiếc, cho bãi triều 5 ngày. Đó là một ân điển đặc biệt mà thời ấy, ngay cả quý tộc họ Trần cũng không mấy người có được.

Cùng với Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn và Chu Văn An, ông là bậc lương đống của triều đình, thường xuyên can gián vua và nhờ vậy bọn nịnh thần dưới triều vua Minh Tông phải kiêng dè không tác oai tác quái được. Sau khi ông mất, rồi Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn cũng lần lượt khuất núi, năm 1358 Thượng Hoàng Minh Tông cũng qua đời, một mình Chu Văn An không thể ngăn cản nổi vua Dụ Tông, nên đành dâng sớ “Thất Trảm” và lui về ở ẩn. Chính sự nhà Trần hỏng dần, kỷ cương xã hội lỏng lẻo, nạn cướp bóc, giặc giã nổi lên khắp nơi, dân tình ta thán. Đến đời Nghệ Tông thì kinh thành Thăng Long cũng không thoát khỏi sự loạn lạc, cướp bóc, tàn phá của người Chiêm. Con cháu các vua Trần ươn hèn, không xứng một chút nào với tổ tiên oai hùng hiển hách, để rồi sau đó cơ nghiệp rơi vào tay Hồ Quí Ly, và không bao lâu sau đất nước lại mất vào tay giặc Minh.

Đến nay Phạm Ngũ Lão đã mất cách gần 700 năm, nhưng công lao, cống hiến của ông, sử sách người đời vẫn lưu truyền và mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Tên của Phạm Ngũ Lão được đặt cho rất nhiều trường trung, tiểu học phổ thông, và được dùng để đặt tên đường các thị trấn, các thành phố trên khắp cả nước. Hội đền Phù Ủng là lễ hội được tổ chức vào tháng giêng hàng năm tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên, đúng vào dịp tướng quân Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc, nhằm suy tôn Phạm Ngũ Lão và con gái của ông, cung phi Tĩnh Huệ. Người dân xã Phù Ủng dựng đền thờ ngay trên nền nhà cũ của ông. Ông cũng được phối thờ bên cạnh Trần Hưng Đạo tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương.

Về Đầu Trang Go down
 

Phạm Ngũ Lão, danh tướng đời Trần

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Bài viết mới cùng chuyên mục

Bài viết liên quan


Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Thầy giáo làng :: Bài học :: Lớp 10 :: Thuật hòai - Phạm Ngũ Lão-
free counters
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất