Thầy giáo làng
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Thầy giáo làng

Diễn đàn của thầy giáo Đoàn Ngọc Khánh
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tên: thầy giáo làng
Số Bài Post :129 Số bài - 65%
Tên: hoanganh
Số Bài Post :39 Số bài - 20%
Tên: dnk2011
Số Bài Post :18 Số bài - 9%
Tên: Old
Số Bài Post :7 Số bài - 4%
Tên: cogiaolang
Số Bài Post :4 Số bài - 2%
Tên: Admin
Số Bài Post :3 Số bài - 2%
Các bài gửi mới nhất Reload
Thủ ảnh tràn lề
Đang tải dữ Liệu
Old
Old
Old
Old
Old
Old
cogiaolang
hoanganh
Tình nghĩa trong ca dao
Đang tải dữ Liệu
hoanganh

Share
 

 CHÍ PHÈO-BI KỊCH BỊ KHƯỚC TỪ QUYỀN LÀM NGƯỜI

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
thầy giáo làng

thầy giáo làng

Tổng số bài gửi : 129
Join date : 21/11/2011

CHÍ PHÈO-BI KỊCH BỊ KHƯỚC TỪ QUYỀN LÀM NGƯỜI Empty
Bài gửiTiêu đề: CHÍ PHÈO-BI KỊCH BỊ KHƯỚC TỪ QUYỀN LÀM NGƯỜI   CHÍ PHÈO-BI KỊCH BỊ KHƯỚC TỪ QUYỀN LÀM NGƯỜI I_icon_minitimeWed Nov 23, 2011 5:59 pm

1- Xung đột bi kịch:

Chí Phèo- viết năm 1941- là kiệt tác của Nam Cao nói riêng của trào lưu văn học hiện thực phê phán ( 1930-1945) nói chung. Tác phẩm đã định vị Nam Cao trong văn giới, đã nâng tầm đón nhận của người đọc bằng sự mạnh dạn tạo ra một khoảng cách thẩm mĩ mới. Lê Văn Trương hăm hở giới thiệu Nam Cao với người đọc “ Dám nói và dám viết những cái khác người, ông Nam Cao đã đem đến cho ta những khoái cảm mới mẻ, ông đã tỏ ra một con người có can đảm”.

Truyện mở đầu bằng tiếng chửi khác đời của một Chí Phèo không biết là đang say hay đang tỉnh. Sự tình ấy lẽ ra khiến người ta phải ngạc nhiên lắm lắm nhưng sự thực là cả làng Vũ Đại không một ai ngạc nhiên khiến Chí Phèo rơi vào khoảng ‘chân không”, người ta như vốn đã coi Chí Phèo không có trên đời này, không ai rỗi hơi nghe Chí và mở miệng với Chí làm gì. Thế đấy, truyện mở đầu bằng tình huống xung đột như thế: Chí Phèo xung đột với tất cả mọi người, kể cả cái ‘ đứa chết mẹ nào đã để ra” hắn. Đỉnh điểm ấy của Chí chỉ cách ngày Chí chết đúng …6 ngày! Nhưng 6 ngày ấy đã có giá trị hoàn nguyên, chiêu tuyết cả một cuộc đời Chí

Qua thiên truyện người đọc dễ dàng nhận ra chính Bá Kiến và chế độ nhà tù thực dân, chứ không phải một ai khác, đã đẩy Chí Phèo vào con đường tha hoá nghiêm trọng. Chí Phèo đi tù chỉ vì thói dâm đãng của mụ vợ ba và máu ghen bệnh hoạn của tên chồng cường hào Bá Kiến . Nhà tù thực dân đã tiếp tay tên chúa đất này nhào nặn Chí Phèo – một canh điền trẻ tráng, lành sạch- thành con người dị dạng dưới mắt dân làng: “ Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng cá! Cái đầu thì trọc lốc , cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo Tây vàng. Cái ngực phanh đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chuỳ, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết!”

Một ngày sau khi về làng, Chí Phèo gây sự ngay với cha con Bá Kiến: “Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp”. Chắc hẳn ‘ Một ngày trong tù bằng ngàn thu ở ngoài” nên khi trải bảy tám năm ngồi tù Chí đã nghiền ngẫm ai là kẻ đã đẩy mình vào đó. Nhưng thật trớ trêu, lần “liều chết” đó cũng không vượt quá giới hạn của một cuộc ‘rạch mặt ăn vạ” . Đến đây Chí vẫn chưa hiểu hết mọi nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh của mình

Lọc lõi trong thuật nắm thóp đứa bất trị, Bá Kiến dễ dàng thu phục và lợi dụng Chí Phèo để tác yêu tác quái dân làng. Vòng ‘kim cô” đã thắt, Chí Phèo trở thành đứa đâm thuê của Bá Kiến, thành con ác quỷ làng Vũ Đại. Mười mấy năm về làng, Chí Phèo mụ mị vì men rượu, đến nỗi “ Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện. Hắn biết đâu vì hắn làm tất cả những việc ấy trong lúc say; hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm. Tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua”.

Chí Phèo đã tha hoá nghiêm trọng cả về nhân hình lẫn nhân tính. Qua cuộc đời của Chí Phèo , Nam Cao đã phát hiện ra một quy luật nghiệt ngã: Bọn cường hào và thực dân đã đẩy những người dân hiền lành , lương thiện vào con đường tha hoá và biến chất. Những người vốn là nạn nhân này lại trở thành ác quỷ phá hoại cuộc sống của bao nhiêu dân lành khác . Tiếng chửi đầu tác phẩm là tất cả nỗi phẫn uất, sự phá phách, cảm giác rơi vào “chân không” của Chí giữa cõi đời nhưng lúc đó Chí chưa phải là nhân vật bi kịch. Sự kiện ấy cũng chứng tỏ sức mạnh của thiết chế xã hội thực dân – phong kiến ở nông thôn (hiện hình qua Bá Kiến và bao nhiêu phe cánh khác dưới sự tiếp tay , hỗ trợ , đỡ đầu của thực dân) bấy giờ như một vỏ bọc không dễ gì chọc thủng được. Nó như một thứ hộp đen bao bọc lấy số phận con người, huỷ hoại bao nhiêu kiếp người .

2- Đặc điểm nhân vật bi kịch Chí Phèo:

Chí Phèo đã thật sự tha hoá từ lâu nhưng chưa bao giờ anh ta tỉnh để nhận ra sự thật nghiệt ngã ấy. Thậm chí có lúc anh ta tự đắc: “Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”. Như vậy , lúc bấy giờ Chí Phèo chưa phải là nhân vật bi kịch vì anh ta đã mất ý thức do những cơn say tràn từ cơn này sang cơn khác chưa bao giờ tỉnh táo để nhận ra sự có mặt của mình trên cõi đời này. Nói cách khác, ý thức anh ta bị rượu của Bá Kiến đầu độc. Chỉ sau đêm gặp Thị Nở và ốm nặng ,sáng hôm sau tỉnh dậy Chí mới thật sự tỉnh táo - sau mười mấy năm tính từ lúc đi tù về và lúc ấy mới đủ điều kiện xuất hiện tấn bi kịch nội tâm

Trước hết là sự thức tỉnh. Bắt đầu là tỉnh rượu. Đây là lần đầu tiên Chí tỉnh rượu . Lần đầu tiên, Chí cảm nhận được về căn lều của mình, một không gian quen thuộc mà như mới mẻ, lạ lẫm; cảm nhận và nghe được những âm thanh của cuộc sống xung quanh : “ Mặt trời bây giờ chắc đã lên cao và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ”, “ tiếng chim hót , tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá ngoài sông…” ; Chí nhớ lại ước mơ của những ngày còn trai trẻ từng “ ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”

Tiếp đến là tỉnh ngộ trong ý thức , trong tâm lí. Chí nhận thức được tình trạng thê thảm của bản thân : “ Tỉnh dậy hắn thấy hắn đã già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lí nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Dầu sao , đó không phải là tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đày đoạ cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”

Thị Nở, sau một phút loé sáng của tư duy và tình cảm, đã kịp đến (Vì nếu không kịp sự thể không biết sẽ ra sao) và mang cho Chí một bát cháo hành. Chí cảm động trước tình người - sự chăm sóc “ vô tư “ của Thị Nở qua bát cháo hành nóng sốt, ngát hương . Lần đầu tiên Chí cảm thấy hạnh phúc thật sự khi được đùm bọc, yêu thương, Chí cảm thấy mình yếu đuối, rất cần một sự đối xử săn sóc như vậy. Chí ý thức thật rõ ràng cử chỉ của Thị Nở là tình yêu, hành động trước kia của Mụ vợ ba Bá Kiến là sự làm nhục . Chí phân biệt bát cháo hành của thị Nở mang cho là sự ân cần đùm bọc vì lòng thương yêu, còn trước kia Chí có ăn là do cướp giật. Chí khao khát được trở lại làm người lương thiện. Tình yêu của Thị Nở đã đánh thức bản chất lương thiện còn sót lại của Chí Phèo.

Liền sau đó là niềm hi vọng được nhen nhóm trong lòng, Chí thèm đựợc làm hòa với mọi người , được trở lại làm người lương thiện. Chí đặt hi vọng vào Thị Nở. Hi vọng của Chí là biểu hiện mạnh mẽ nhất của nhân tính trong con người anh ta.

“ Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”

Nhưng ngay sau phút thăng hoa bằng mơ ước, Chí lập tức rơi vào nỗi thất vọng và đau đớn. Bà cô , hiện thân của thành kiến nặng nề, không cho cháu bà đâm đầu đi lấy một thằng không cha lại chỉ có một nghề là “ rạch mặt , ăn vạ”. Thị Nở thẳng thừng đoạn tình, đẩy Chí ngã mặc dù Chí cố chạy theo nắm lấy tay Thị Nở như là một nỗ lực cuối cùng để níu lại cho mình chiếc cầu phao mong manh duy nhất bắc qua bờ nhân thế .

Trong trạng thái phẫn uất , tuyệt vọng, Chí cố nốc rượu nhưng lạ thay càng uống Chí càng tỉnh, tỉnh vì ý thức làm người đã trở về. Hơi cháo hành hiện về trong tâm trí, Chí ôm mặt khóc rưng rức. Đây là lần đầu tiên Chí biết khóc và khóc được. Chí chưa hề khóc trong suốt cả mười mấy năm “trần trụi giữa bầy sói”- kể từ lúc ra tù .Đó là sự thức nhận bi kịch tinh thần của Chí Phèo, bi kịch bị khước từ quyền được làm người lương thiện.

Bị dồn đẩy đến chân tường, Chí Phèo xách dao đi, miệng lẩm bẩm đâm chết “ con đĩ Nở và con khọm gìa nhà nó” nhưng chân lại bước đến nhà Bá Kiến. Sự đổi hướng bước đi của Chí Phèo không một ai biết trước nhưng cũng không làm ai phải ngạc nhiên. Chí đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện chứ không đến nhà thị Nở đòi tình yêu. Chí dõng dạc đòi lương thiện ở kẻ thù trực tiếp đã cướp đi cả cuộc đời hắn. “ Ai cho tao lương thiện?” ., “ Tao không thể là người lương thiện nữa!” là những câu nói bộc lộ rõ nhất ý thức của Chí về bi kịch của chính mình và Chí đã hành động cái hành động chót cùng của một số phận bi kịch.

Giết chết Bá Kiến, Chí quay lại kết liễu cuộc đời mình. Chí Phèo chết vì không tìm được lối thoát, vì xã hội không cho hắn sống tử tế. Ý thức nhân phẩm đã trở về, Chí không thể tiếp tục sống kiếp thú vật nữa. Chí chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc đời. Vì là chết trong sự ý thức nên đó không phải là cái chết của một con vật. Bằng bi kịch của một con người bị gạt bỏ quyền làm người ở đầu truyện hiện hình qua tiếng gào thét, chửi bới trong cô đơn và bi kịch bị từ chối khát vọng cải hóa thành người tốt đẹp ở cuối truyện do sự ghẻ lạnh của một cộng đồng ngái ngủ hiện hình qua tiếng khóc một mình; tiếng nói dõng dạc đòi lương thiện và những nhát dao định mệnh, cảm hứng tố cáo xã hội mãnh liệt cũng như tấm lòng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao thật sự giàu khả năng thức tỉnh người đời.

3- Về nghệ thuật:

Truyện ngắn Chí Phèo nhìn bề ngoài được trần thuật từ ngôi thứ ba, theo quan điểm trần thuật khách quan nhưng thâm nhập sâu vào tác phẩm ta thấy quan điểm trần thuật khách quan đã nhanh chóng chuyển thành quan điểm trần thuật theo nhân vật ( Chí Phèo , Bá Kiến, Thị Nở, đám đông dân làng,..). Người trần thuật – tác giả đã nhập vai vào nhân vật Chí Phèo để nói lên thật cụ thể tâm trạng đầy phân vân, do dự giữa việc vào hay không vào nhà bá Kiến báo thù. Ta còn thấy lòng chân thật và tâm trạng bâng khuâng, mơ hồ buồn vào cái buổi sáng sau lần gặp gỡ Thị Nở của Chí, nỗi niềm khao khát lương thiện của Chí Phèo: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao”… Khi thì lời trần thuật lại nhập vào dòng tâm tư của nhân vật Bá Kiến để thể hiện thật là sắc sảo những suy nghĩ, những tính toán đầy nham hiểm, nét khôn ngoan róc đời của con cáo già này, qua đó lí giải nguyên nhân bi kịch của nhân vật chính Chí Phèo. Phải thừa nhận rằng chưa có nhà văn hiện thực nào ở nước ta tính cho đến bấy giờ xây dựng được hình tượng nhân vật cường hào sinh động, kì thú đến như vậy. Cứ như thế, phương thức trần thuật, quan điểm trần thuật trong Chí Phèo luôn thay đổi, đan cài, thâm nhập vào nhau, tạo nên cách dẫn chuyện phóng túng, tự nhiên và có chiều sâu của thiên truyện.

Chí Phèo có một kết cấu thật độc đáo. Chỉ có sáu ngày cuối đời Chí mà nhà văn mở ra bao nhiêu mối quan hệ chằng chịt của cả làng Vũ Đại từ bọn đàn anh ở cái thế ‘ quần ngư tranh thực”, đến sự nảy nòi ra những đứa “ đầu bò”, chuyện trai gái, ghen tuông, những mánh khoé bóp nặn của bọ cường hào, chuyện tình yêu, chuyện truy cầu nhân phẩm muộn mằn nhưng quyết liệt và cả một nỗi lo sợ mơ hồ mênh mông về một Chí Phèo con lại tái xuất giang hồ .…Làm được điều đó, tác giả đã thể hiện một năng lực kết cấu theo dòng suy nghĩ của nhân vật, nhất là Chí Phèo và Bá Kiến. Một trong những thành công của nghệ thuật trần thuật ở Chí Phèo còn là ở chỗ tác giả thể hiện ý thức ngôn ngữ đám đông tạo ra một giọng điệu đa thanh, phức điệu tuyệt vời, càng đọc càng thấy thú. Nhất là đoạn dư luận người làng về lí do Chí bị bắt vào tù; đoạn Chí gây hấn với cha con Bá Kiến lần đầu sau khi đi tù về một ngày và đặc biệt là đoạn kết truyện. Truyện Chí Phèo bằng văn bản đã kết thúc nhưng chưa bao giờ người đọc cảm thấy câu chuyện này dừng ở đó. Hình thức đầu cuối tương ứng của truyện được đặt trên cái nền đa thanh ấy hẳn còn nhiều “ đa sự, đa đoan”

Với những gì nhà văn đã thể hiện quãng đời thê thảm nhất của Chí Phèo- từ khi đi tù về hiện ra một cách đầy góc cạnh. Có biết bao nhiêu thế lực xô đẩy Chí Phèo vào con đường tội lỗi. Nhưng ngược lại , suốt hơn chục năm trời kể từ khi ra tù về sống ở làng Vũ Đại, không hề có ai đối xử với Chí Phèo như một con người, cũng không hề có một cơ may nào, một bàn tay thân thiện nào chìa ra vẫy gọi, dù chỉ là từ xa, Chí Phèo trở về “trên mảnh đất người đời”. Chỉ có Thị Nở trong đêm trăng định mệnh và bát cháo hành nóng sốt , nồng nàn của tình yêu là chiếc cầu giao lưu giữa Chí với thế giới người ( gọi thế thôi chứ làng Vũ Đại chỉ là “ mảnh đất lắm người nhiều ma”). Và con ma định kiến ngày thường vẫn nấp sâu trong cái vỏ bọc của những chủ nhân tuy cũng “ thấp cổ bé họng” thôi nhưng khi họ được có chút quyền hành cũng tác uy tác phúc ra phết ! Hỏi có buồn không khi mà ngày Chí chưa bị Lí Kiến hại thì ngay mụ vợ ba của Lí Kiến cũng thèm muốn , lợi dụng thì đến đoạn cuối cùng đến cả thị Nở Chí cũng không lấy được! Câu nói cuối cùng của Chí Phèo trước khi vung nhát dao định mệnh tuy ngắn gọn mà chứa cả một triết lí, một bài học xương máu mà nói như Nguyễn Hoành Khung khi : “ ý thức nhân phẩm đã trở về, Chí Phèo không bằng lòng trở lại cuộc sống thú vật nữa. Trước đây để bám lấy sự sống, Chí Phèo đã bán linh hồn cho quỷ; giờ đây linh hồn ấy trở về, Chí Phèo lại phải thủ tiêu cuộc sống của mình”

Về Đầu Trang Go down
 

CHÍ PHÈO-BI KỊCH BỊ KHƯỚC TỪ QUYỀN LÀM NGƯỜI

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Bài viết mới cùng chuyên mục

Bài viết liên quan


Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Thầy giáo làng :: Bài học :: Lớp 11 :: Chí Phèo - Nam Cao-
free counters
Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất